Mô hình sản xuất lúa - tôm nhằm tạo ra nông sản an toàn, giảm ô nhiễm môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu đã và đang được nông dân các tỉnh ven biển miền Tây, như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu... áp dụng rộng rãi. Mô hình lúa - tôm được đánh giá là mô hình canh tác thông minh, phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường. Sản phẩm tôm sạch, gạo đạt tiêu chuẩn hữu cơ mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng và giúp nông dân phát triển kinh tế.
Con tôm “ôm” cây lúa
Biến đổi khí hậu đã làm tình hình xâm nhập mặn ngày càng gay gắt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con nông dân trồng lúa vùng ven biển ĐBSCL. Để thích ứng, người nông dân đã chuyển đổi sang mô hình “1 vụ lúa - 1 vụ tôm/năm” thay cho 2 vụ lúa trước đây. Vào mùa nắng (từ tháng 1 đến tháng 8), khi mặn xâm nhập thì người nông dân dùng nước mặn để nuôi tôm.
Vào mùa mưa (tháng 9 đến tháng 12), nông dân trữ nước mưa rửa mặn và canh tác lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh nên chất lượng gạo ngon và an toàn. Mô hình lúa - tôm được đánh giá là mô hình canh tác thông minh, phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường.
Tận dụng đất nuôi tôm trồng thêm 1 vụ lúa trên ruộng tôm nước mặn đã giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập so với trước. Do nông dân ý thức được bảo vệ môi trường nuôi tôm nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chất lượng gạo và tôm tự nhiên ngon, an toàn dinh dưỡng.
Năm 2018, Hợp tác xã Nam Quý (tổ 11, ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) được thành lập bởi 16 hộ nông dân, diện tích 51ha với mục đích thành lập tổ chức đại diện nông dân ký hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ với các công ty nhằm kết nối chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả canh tác lúa - tôm bền vững và bảo vệ môi trường. Ba năm liền từ 2019 - 2021, lúa gạo của hợp tác xã đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nếu trước khi nuôi tôm, nông dân chỉ thu hoạch mỗi vụ lúa với thu nhập không đáng kể, thì doanh thu từ mô hình lúa - tôm tăng 78% so với canh tác 2 vụ lúa/năm. Chi phí sản xuất lúa - tôm chỉ bằng ½ so canh tác 2 vụ lúa/năm, chủ yếu chi phí giống, phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh. Tăng thêm thu nhập khi trồng thêm 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm, nhưng quan trọng hơn là cách sản xuất đảm bảo an toàn theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc BVTV giúp giảm chi phí sản xuất, sản phẩm an toàn hơn và lợi nhuận tăng lên. Do đó, lợi nhuận từ mô hình lúa - tôm cao gấp 3 lần so với canh tác 2 vụ lúa/năm.
Chứng nhận gạo hữu cơ quốc tế
Do trồng lúa trong ruộng nuôi tôm, nông dân không thể phun xịt thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm. Nên khi áp dụng sản xuất lúa hữu cơ thì chi phí giảm 50%, mà chất lượng hạt gạo ngon hơn, bán được giá cao hơn, an toàn cho người sử dụng, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Một nông dân đang áp dụng mô hình canh tác lúa- tôm cho biết, lúc đầu khi mới sản xuất theo mô hình lúa hữu cơ, chúng tôi rất bỡ ngỡ, do chưa từng làm qua. Nhờ được kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hữu cơ mà bà con sản xuất đạt năng suất rất tốt. Từ khi chuyển đổi sản xuất, trung bình 1ha lúa an toàn đạt sản lượng khoảng 0,5 tấn, lúa hữu cơ khoảng 0,4 tấn, tôm sú khoảng 0,4 tấn/vụ/ha, tôm càng xanh khoảng 0,3 tấn/vụ/ha. Từ vùng sản xuất nông nghiệp khó khăn, do xâm nhập mặn và ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu, nhờ áp dụng mô hình canh tác mới đã giúp nông dân chuyển đổi sản xuất, tạo ra nông sản sạch và làm giàu trên vùng quê của mình.
Chia sẻ với những khó khăn của bà con nông dân vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cuối năm 2018, Công ty Gạo Tôm được thành lập với sứ mệnh kết nối chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả canh tác lúa - tôm và kiến tạo hệ sinh thái lúa - tôm bền vững cho ĐBSCL. Ông Huỳnh Chí Phương (Giám đốc Công ty Gạo Tôm) cho biết, dưỡng chất từ hoạt động nuôi tôm là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây lúa sinh trưởng. Ngược lại, trong quá trình canh tác, rễ lúa hút các dưỡng chất giúp làm sạch đáy ao. Gốc rạ của vụ lúa để lại giúp sinh ra tảo là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.
Vì vậy, hoạt động trồng lúa giúp vụ tôm nước mặn ít bệnh hại và tiết kiệm chi phí. Hoạt động nuôi tôm giúp cây lúa có nguồn phân hữu cơ tự nhiên. Do ý thức bảo vệ môi trường nuôi tôm và con tôm rất nhạy cảm với hóa chất, nên nông dân chỉ sử dụng phân hữu cơ và vi sinh trong suốt quá trình canh tác. Vì thế, hạt gạo làm ra thơm đậm vị và rất an toàn sức khỏe.
“Cây lúa trồng trên vuông tôm sẽ tận dụng chất thải của tôm làm phân bón, giúp cây lúa phát triển tốt. Rễ cây lúa giúp làm sạch đáy vuông tôm, nên tôm ít bị bệnh. Môi trường vuông tôm sạch giúp cho các loài tảo, trùn chỉ… làm thức ăn cho tôm rất phong phú. Mối quan hệ cộng sinh giữa con tôm với cây lúa là quy trình khép kín, tạo ra tôm sạch và hạt lúa hữu cơ, nông dân quen gọi “con tôm ôm cây lúa” là vậy” - một nông dân chia sẻ.
Minaki (người Nhật Bản) là nghiên cứu sinh ngành Kinh tế nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Mô hình lúa - tôm rất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng ven biển ĐBSCL. Em tham gia nghiên cứu mô hình này để giúp hoàn thiện luận án tiến sĩ về hệ thống nông nghiệp các tỉnh ven biển; do nhận thấy các tỉnh ven biển ĐBSCL dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.
Đề tài tập trung nghiên cứu về điều chỉnh sản xuất nông nghiệp bền vững, do sự sinh trưởng của con tôm và cây lúa có mối liên hệ cộng sinh với nhau: Cây lúa sử dụng những chất thải hữu cơ của tôm cua (do ruộng lúa có thả chung tôm, cua) thải ra; lúa gạo đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, trồng lúa không cần phun thuốc BVTV; nông dân ngoài làm lúa còn bán được tôm, cua có giá cao… nên mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đây là mô hình rất bền vững, rất phù hợp khi triển khai ở các vùng ven biển, giúp tạo ra gạo sạch, tôm/cua ngon để cung cấp cho người tiêu dùng và giúp người nông dân tăng thu nhập”.
Quy trình sản xuất, nuôi trồng lúa - tôm kiến tạo hệ sinh thái lúa - tôm bền vững, kết nối chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả canh tác lúa - tôm. Nhất là tạo ra những sản phẩm lúa - gạo - tôm hữu cơ đặc sắc được ưa chuộng trong nước và quốc tế. Hạt gạo với chất lượng dinh dưỡng, dẻo, thơm, được chứng nhận Organic của Hoa Kỳ, EU - Bio (Châu Âu) và JAS (Nhật Bản) là điểm nhấn trong cuộc hành trình tới nền kinh tế xanh của gạo tôm.
HỮU HUYNH